Dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ Logistics có mối liên quan và sự tương đồng nhất định khiến cho nhiều người còn đang đánh đồng 2 dịch vụ này là một. Tuy nhiên dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ Logistics vẫn có rất nhiều điểm khác nhau thể hiện quy mô, bản chất của mỗi dịch vụ. Cụ thể sự khác nhau này được phân tích cụ thể trong bài viết dưới đây.
Dịch vụ vận chuyển hàng hóa là dịch vụ vận chuyển bằng đường biển một lô hàng cụ thể nào đó từ cảng xếp hàng tới cảng dỡ hàng. Đó có thể là một hợp đồng vận chuyển hàng rời khối lượng lớn (từ cảng tới cảng) nhưng cũng có thể là vận chuyển hàng bằng container (từ CY tới CY), hoặc là hợp đồng vận chuyển đa phương thức (từ địa điểm tiếp nhận hàng tới địa điểm trả hàng). Nếu là vận chuyển đa phương thức thì ngoài chặng đường biển còn có thể có cả những chặng đường bộ, đường thủy nội địa hoặc đường hàng không.
Về dịch vụ Logistics hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau:
- Theo tài liệu của Liên hợp quốc: Logistics là hoạt động quản lý quá trình lưu chuyển vật liệu qua các khâu lưu kho, sản xuất ra sản phẩm cho tới tay người tiêu dùng theo yêu cầu của khách hàng.
- Theo Hội đồng Quản lý dịch vụ Logistics (The Council of Logistics Management) thì: “Logistics là một phần của quá trình cung cấp dây chuyền bao gồm lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm soát hiệu quả, lưu thông hiệu quả và lưu giữ các loại hàng hóa, dịch vụ và có liên quan đến thông tin từ điểm cung cấp cơ bản đến các điểm tiêu thụ để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng”.
- Luật thương mại Việt Nam (Điều 233) quy định “Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
- Mặc dù có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm dịch vụ Logistics nhưng các khái niệm này có thể chia làm hai nhóm: nhóm thứ nhất là định nghĩa hẹp mà tiêu biểu là Luật thương mại Việt Nam, theo định nghĩa của nhóm này dịch vụ Logistics là việc tập hợp các yếu tố liên quan và hỗ trợ cho quá trình chu chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới nơi tiêu dùng cuối cùng. Nhóm thứ hai là nhóm định nghĩa có phạm vi rộng miêu tả sự tác động của nhiều yếu tố vật chất và yếu tố vô hình (thông tin) từ khâu tiền sản xuất cho tới khi hàng hoá tới tay người tiêu dùng cuối cùng.
Như vậy trong dịch vụ Logistics có dịch vụ vận tải và các dịch vụ khác đi liền để hỗ trợ hàng hóa tới đích cuối cùng. Người kinh doanh dịch vụ Logistics sẽ đảm nhận toàn bộ tất cả các khâu trong quá trình hình thành và vận chuyển hàng hóa tới địa chỉ cuối cùng, người kinh doanh dịch vụ này đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn sâu, am hiểu nhiều lĩnh vực liên quan một cách vững vàng để cung cấp một dịch vụ trọn gói chứ không phái chỉ có đơn thuần vận tải và giao nhận hàng hóa... Có thể nói dịch vụ vận chuyển hàng hóa chỉ là một khâu trong toàn bộ chuỗi cung ứng Logistics. Vận tải hàng hóa là 1 mắt xích đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng Logistics.